Cách nhận biết đá quý đã qua xử lý – Phương pháp lấp đầy khe nứt đá quý
Đối với đá quý tự nhiên, việc xuất hiện những đường răn, khe nứt là biểu hiện hoàn toàn bình thương như sự khẳng định về tính chất tự nhiên của đá quý. Tuy nhiên trong thương mại, những đặc điểm này ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của nhiều người, chính vì thế, phương pháp xử lý lấp đầy khe nứt đá quý ra đời nhằm đáp ứng thị hiếu người dùng.
Bản chất của phương pháp này là dùng thủy tinh, nhựa hoặc sáp lấp đầy các khe nứt, lỗ hổng của viên đá. Thông thường, vật chất dùng để lấp đầy các khe nứt là là các vật chất không màu để tăng độ trong suốt của viên đá, đôi khi các vật chất được cũng được tạo thêm màu để tăng cường màu sắc của đối tượng (phương pháp lấp đầy với vật chất có màu cũng có thể phân loại cùng phương pháp nhuộm màu đá quý).
Đôi khi, phương pháp này cũng được áp dụng để làm tăng trọng lượng của 1 viên đá qua đó làm tăng giá trị thương mại.
Các loại đá quý thường được xử lý lấp đầy khe nứt.
- Kim cương: Dùng thủy tinh lấp đầy khe nứt để làm tăng độ tinh khiết.
- Ruby, sapphire: Dùng thủy tinh chì kèm chất tạo màu lấp đầy vào các khe nứt để tăng độ tinh khiết và cường độ màu.
- Emerald: Dùng một số loại nhựa tổng hợp lấp đầy các khe nứt để tăng độ tinh khiết.
Một số loại đá khác cũng thường được áp dụng phương pháp xử lý này là aquamarine, tourmaline và các loại đá trong họ thạch anh.
Tính bền vững trong phương pháp xử lý lấp đầy khe nứt.
Độ bền của phương pháp xử lý phụ thuộc vào vật chất được áp dụng. Nếu phủ bằng thủy tinh chì sẽ bền vững hơn so với nhựa, sáp hoặc chất lỏng.
Những viên đá được áp dụng phương pháp xử lý này cũng nhạy cảm hơn với sự thay đổi áp suất (ví dụ như trong cabin máy bay) hoặc thay đổi nhiệt độ, tiếp xúc với nhiệt độ cao. Các tác động này có thể làm thay đổi kết cấu hoặc loại bỏ một phần vật chất lấp đầy.
Hóa chất, chất tẩy rửa, nước nóng cũng ảnh hưởng đến những viên đá đã xử lý lấp đầy khe nứt.
Nhận biết đá quý xử lý lấp đầy khe nứt
Một số dấu hiệu giúp chúng ta nhận biết đá quý lấp đầy khe nứt bao gồm nhận dạng thủy tinh lấp đầy bằng cách quan sát các bọt khí thường thấy trong thủy tinh, các khe nứt thường xuất hiện trong các khe nứt, vết vỡ được lấp đầy.
Quan sát hiệu ứng tán xạ của ánh sáng dưới kính hiển vi cũng giúp nhận biết các khe nứt được lấp đầy bằng thủy tinh hoặc các vật chất nhân tạo (với kim cương).
Với ruby và sapphire, quan sát các đám bao thể dạng bọt khí và các bao thể dạng tấm, mảnh của thủy tinh được lấp đầy. Quan sát bề mặt viên đá ở độ phóng đại lớn cũng giúp nhận biết các khe nứt bị lấp đầy ở bề mặt.
Có nên xử dụng đá quý xử lý lấp đầy vết nứt?
Tương tự với phương pháp xử lý phủ bề mặt, phương pháp lấp đầy vết nứt sẽ vẫn phù hợp với đa phần người dùng phổ thông sử dụng đá quý như những món trang sức đơn thuần.
Tuy nhiên với những người sử dụng đá quý cho mục đích phong thủy, tâm linh thì việc các vật chất như thủy tinh chì, dầu, nhựa len lỏi sâu vào trong viên đá sẽ phá vỡ các liên kết, cấu trúc viên đá qua đó ít nhiều sẽ ảnh hướng đến năng lượng vốn có của viên đá. Ngoài ra, tùy từng phương pháp xử lý mà độ bền giữ được sau khi xử lý sẽ hư hại sau thời gian sử dụng ngắn hay dài nhưng tựu chung, viên đá của bạn sẽ không bền vững trong thời gian dài. Một viên đá sử dụng trong tâm linh càng lâu càng có linh tính nhưng nếu bị hư hại về sau thì quả là điều đáng tiếc.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về phương pháp xử lý lấp đầy vết nứt trên đá quý, Vietgemstones hy vọng bài viết sẽ cung cấp phần nào kiến thức để bạn có thể có những lựa chọn hợp lý khi chọn mua một viên đá tùy thuộc mục đích khác nhau.
Ở bài viết tiếp theo vietgemstones sẽ đề cập đến phương pháp xử lý với nhiệt độ và áp suất cao, thân mời bạn đón đọc.
Nguồn tham khảo: GIA
Submit your review | |